Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 07/2023 đến tháng 09/2023 trên khu vực Biển Đông có khoảng 06-08 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 02-04 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Bắc trong tháng 7- 9 là 70-500mm, trong tháng 9 là từ 150-500mm.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong việc chủ động các biện pháp quản lý môi trường nuôi và chăm sóc thủy sản nuôi. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo đến các cơ sở nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cần áp dụng các biện pháp sau:
Đối với vùng nuôi cá trong ao: Thu hoạch cá khi đạt kích cỡ thương phẩm, thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa một phần. Trước mùa mưa lũ: Cần kiểm tra và sửa chữa lại bờ ao chắc chắn, đảm bảo bờ ao cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0,5 m và kiểm tra hệ thống xả tràn cho ao nuôi; chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát cá nuôi và khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng; chuẩn bị máy bơm nước chống ngập khi cần thiết (chuẩn bị thêm máy phát điện nếu có để để phòng điện lưới bị mất); phát quang cây xung quanh bờ ao để hạn chế cành, lá cây rơi xuống ao làm ô nhiễm ao nuôi khi có bão lũ, đồng thời phòng khi gió lớn gây đổ cây vỡ bờ ao; rải vôi bột trên mặt bờ ao với lượng khảng 10 kg/100 m2 để ổn định pH cho ao nuôi khi có mưa lũ.
Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi sẽ bị đục và pH bị giảm đột ngột nên bón vôi cho ao nuôi với liều lượng 0,7 - 1,0 kg/100 m3 nước để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao. Sau mưa bão lũ, khi phát hiện cây đổ, lá rụng, xác chết gia súc, gia cầm ở các khu vực xung quanh đổ xuống ao cần thu gom, loại bỏ ra khỏi ao, tránh làm cho môi trường nước bị ô nhiễm.
Ngoài ra, môi trường ao nuôi sẽ có những biến động đột ngột, mưa làm rửa trôi phèn, các chất hữu cơ, độc tố tích tụ từ trên bờ xuống ao. Đây là những nguyên nhân làm cho cá dễ mẫn cảm với mầm bệnh, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng có trong môi trường nước có điều kiện thuận lợi để phát triển và gây bệnh cho cá nuôi.
Do đó, cần thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa bão, lũ, lụt như bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng. Chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột với lượng 2-3 kg/100 m3 nước ao hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi thủy sản (như TCCA, BKC, Chlorine,...) theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi. Cùng đó, điều chỉnh lượng thức ăn khi có mưa bão/ thay đổi thời tiết để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Đối với cá nuôi lồng bè trên sông/hồ: Cần tiến hành thu hoạch khi cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa lũ và kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi có dòng chảy nhẹ để tránh mưa lũ làm hỏng lồng. Mực nước và tốc độ dòng chảy ở các sông, suối sẽ tăng lên khi có mưa lũ. Vì vậy, ở những nơi có dòng chảy lớn cần dùng tấm chắn, bạt che chắn phía trước lồng nuôi làm giảm dòng chảy trực tiếp vào lồng, ngăn chặn các các vật rắn, gỗ làm hư hỏng lồng gây thất thoát cá ra ngoài.
Song song với việc phòng chống lũ lụt, người nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa lũ như bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng, treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá lượng 2-4 kg/túi từ 2-4 túi/lồng, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước. Hạn chế cho ăn khi có mưa bão để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết và không ở lại lồng bè nuôi khi có mưa lũ lớn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người; có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn... Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó nhằm bảo vệ cá nuôi giảm thiệt hại do mưa bão gây ra.
Thanh Thủy